Mô hình AI có tên gọi Mind-Vis, được đào tạo trên một tập dữ liệu lớn với hơn 160.000 lần quét não đã có thể tái hiện đến 84% những gì con người suy nghĩ.
Mới chỉ cách đây vài năm, các hình ảnh từ công nghệ mô phỏng việc đọc hoạt động não người được ghi lại vẫn chưa đạt đến mức hoàn hảo. Tuy nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford, ĐH Quốc gia Singapore và Đại học Hong Kong Trung Quốc (CUHK) đang tiến gần hơn đến khả năng đạt được kỳ tích này.
Cụ thể, trong một thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về hoạt động não bộ của những người tham gia khi họ được cho xem một loạt hình ảnh. Bên trái là những hình ảnh hiển thị sau khi quét não bộ của tình nguyện viên. Trong khi đó, bên phải là những hình ảnh do AI tạo ra.
Tiếp đến, các nhà khoa học sử dụng dữ liệu chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để quan sát kỹ hơn về hoạt động của não những người tham gia thí nghiệm. Sau đó, các nhà nghiên cứu gửi toàn bộ tín hiệu đó thông qua một mô hình AI để huấn luyện máy tính liên kết các kiểu sóng não với một số hình ảnh nhất định.
Kết quả thu được từ cách mà AI mô phỏng hình ảnh do sóng não thu được rất kinh ngạc. Cụ thể, hình ảnh ngôi nhà và con đường lái xe dẫn đến sự pha trộn màu sắc tạo nên hình ảnh về phòng ngủ và phòng khách.
Trong khi đó, hình ảnh về một tòa tháp bằng đá trang trí công phu của một tình nguyện viên, được AI tạo ra hình ảnh về một tòa tháp tương tự nhưng các cửa sổ nằm ở góc không thực. Ngoài ra, một con gấu được AI hiểu là một sinh vật kỳ lạ, xù xì và giống con chó.
Theo NBC, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mô hình AI có thể tạo ra hình ảnh khớp với các thuộc tính của ảnh gốc, chẳng hạn như màu sắc, kết cấu và chủ đề tổng thể đến 84%. Nhóm nghiên cứu tin rằng chỉ trong vòng một thập kỷ tới, công nghệ này có thể được sử dụng rộng rãi cho bất kỳ ai và ở bất kỳ đâu.
Được biết, mô hình AI này có tên là Mind-Vis và được đào tạo trên một tập dữ liệu lớn với hơn 160.000 lần quét sóng não. Để tạo ra những hình ảnh có độ chính xác cao như trong thí nghiệm, Mind-Vis đã phải trải qua hàng giờ đào tạo trong phòng thí nghiệm.
Đối với phần thứ hai của quá trình huấn luyện, mô hình AI này sẽ được đào tạo trên một tập dữ liệu khác từ một nhóm nhỏ những người tham gia có hoạt động não bộ được máy fMRI ghi lại khi hiển thị hình ảnh.
Từ đó, mô hình AI sẽ học cách liên kết các hoạt động não bộ cụ thể với những đặc điểm hình ảnh trực quan như màu sắc, hình dạng và kết cấu. Cũng theo NBC, để đào tạo mô hình AI này, hoạt động sóng não của mỗi người tham gia cũng phải được đo trong khoảng 20 tiếng.
Zijiao Chen, nghiên cứu sinh tại ĐH Quốc gia Singapore và cũng là một trong những nhà nghiên cứu của dự án, cho rằng khi công nghệ này được phát triển hơn nữa, nó hoàn có thể được ứng dụng trong y học, tâm lý học và khoa học thần kinh.
Tuy nhiên, giống như nhiều phát triển về AI trong thời gian gần đây, công nghệ đọc não người làm dấy lên những lo ngại về đạo đức và pháp lý. Một số chuyên gia cho rằng nếu rơi vào tay kẻ xấu, mô hình AI này có thể được sử dụng để thẩm vấn hoặc theo dõi con người.
Theo Zing
Print