Mẫu motor bay điện cất hạ cánh thẳng đứng 2 chỗ ngồi của UDX có thể tăng tốc tới gần 100km/h chỉ trong 3 giây.
Mô phỏng chuyến bay với Airwolf. (Video: UDX).
Công ty Czech đang lái thử nguyên mẫu thu nhỏ của mẫu motor bay điện cất hạ cánh thẳng đứng (eVTOL) mang tên Airwolf, New Atlas hôm 30/5 đưa tin. Với lực đẩy từ động cơ phân luồng nghiêng theo chiều gió, Airwolf có đủ diện tích bề mặt cánh để bay hành trình hiệu quả cũng như di chuyển linh hoạt khi đang bay lơ lửng.
Theo UDX, Airwolf là phương tiện bay điện cất hạ cánh thẳng đứng giống xe máy công suất 430 mã lực với sự linh hoạt giống chim ruồi, có thể chở hai người. Phương tiện này có thể trông giống máy bay 4 động cơ thông thường nhưng điều khiến Airwolf thực sự khác biệt với các mẫu eVTOL khác là buồng động cơ đẩy nghiêng theo chiều gió. Mỗi cái trong số 4 cụm cánh quạt có vành che có thể chuyển động độc lập.
Airwolf sẽ nặng khoảng 230kg nhưng hứa hẹn tăng tốc từ 0 đến 96km/h trong 3 giây.
Airwolf sở hữu phần cánh được thiết kế và bố trí tỉ mỉ để bay về phía trước hiệu quả, sản sinh khoảng 50% lực nâng cần thiết nhằm giúp mẫu motor bay lơ lửng trong không trung. Nhờ đó, phương tiện cần ít năng lượng từ bộ pin hơn và có tầm hoạt động xa hơn. Airwolf sẽ nặng khoảng 230 kg nhưng hứa hẹn tăng tốc từ 0 đến 96km/h trong 3 giây và tốc độ tối đa 229km/h. Độ linh hoạt và tốc độ cao với mức trọng lượng trên, phương tiện có thời gian bay ước tính 25 phút và tầm hoạt động 66 km. Airwolf có thể thực hiện mọi hoạt động nhào lộn nhờ bộ điều khiển bay điện, bay qua hẻm núi dốc với tầm nhìn 360 độ và đón khách dọc đường.
UDX đã chế tạo những nguyên mẫu hoạt động được ở quy mô nhỏ. Chúng tích hợp hệ thống đẩy vector. Airwolf sẽ cần thời gian dài để hoàn thiện trước khi sản xuất. Để điều khiển UDX Airwolf, người sử dụng cần bằng lái phi công thể thao ở Mỹ, có nghĩa họ cần 20 giờ huấn luyện bay và vượt qua hai bài kiểm tra.
Theo VnExpress
Print