Loadding..

Xe tự lái sẽ lựa chọn đâm ai, tránh ai?

Xe tự lái sẽ lựa chọn đâm ai, tránh ai?

Xe tự lái là xu thế phát triển tất yếu của xe hơi hiện đại. Trong khoảng 10 năm nữa, xe tự lái sẽ xuất hiện “nhan nhản” trên phố. Có một câu hỏi đặt ra đối với xe tự lái là: nếu như tai nạn là không thể tránh khỏi, xe tự lái sẽ lựa chọn đâm ai, tránh ai?

Theo trang công nghệ TechCrunch, nhà khoa học Iyad Rahwan và các cộng sự thuộc Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ đang tiến hành một nghiên cứu về phạm trù đạo đức đối với xe tự lái. Ông Rahwan cho biết: “Mỗi khi xe tự lái thực hiện một thao tác phức tạp, nó cũng sẽ phải cân nhắc trên khía cạnh có thể gây rủi ro cho những đối tượng khác nhau”.

Rahwan đã đặt ra giả thiết về một vụ tai nạn không thể tránh khỏi đối với xe tự lái. Một người bất chợt ngã ra phía trước một chiếc xe tự lái đang phóng rất nhanh, đồng thời ở bên trái phía trước chiếc xe cũng có một rào chắn bê tông. Trong trường hợp này xe tự lái sẽ xử lý thế nào? Nó sẽ tránh người ngã ra đường và đâm vào rào bê tông làm lái xe tử nạn hay nó sẽ đi thẳng để cứu lái xe nhưng sẽ làm người ngã ra đường tử nạn?

Trong trường hợp này xe tự lái sẽ xử lý thế nào?
Trong trường hợp này xe tự lái sẽ xử lý thế nào?

Rahwan nói rằng cảnh tượng xe tự lái gây tai nạn cho con người hiện nay mới chỉ là giả thuyết, nhưng trong tương lai điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi mà đường phố tràn ngập các loại xe tự lái. Vì thế, các câu hỏi về khía cạnh đạo đức của xe tự lái đang được đặt ra mỗi ngày. Chẳng hạn, xe tự lái sẽ xử lý thế nào khi vượt qua một người đi xe đạp hoặc một khách bộ hành?

Ryan Jenkins, Giáo sư Triết học thuộc Đại học Bách khoa bang California nhận định: “Khi bạn lái xe trên phố, bạn đang đặt những người xung quanh vào một sự rủi ro. Khi chúng ta vượt qua một người đi xe đạp hoặc một khách bộ hành, chúng ta thường tạo ra một khoảng cách an toàn đối với họ. Cho dù chúng ta tự tin rằng xe của chúng ta sẽ không đâm, nhưng có những chuyện xảy ra bất chợt mà không ai lường trước được. Người đi xe đạp có thể ngã xe, người đi bộ có thể trượt chân”.

Để bảo đảm an toàn, xe tự lái sẽ phải giảm tốc độ và chạy thật chậm khi phát hiện có người đi bộ bên đường, nhằm tránh trường hợp người đi bộ có chủ ý lao vào trước đầu xe. Đây là ý kiến của nhà khoa học Noah Goodall thuộc Ủy ban nghiên cứu giao thông Virginia.

Lái xe là con người có thể xử lý các tình huống nói trên thông qua trực giác, nhưng đối với trí tuệ nhân tạo điều này không hề đơn giản. Các phần mềm tự lái cần phải định nghĩa rõ ràng các quy tắc xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra, hoặc dựa vào các quy định lái xe chung. Hy vọng các nhà làm luật sẽ sớm soạn ra các bộ quy tắc dành cho xe tự lái.

Để bảo đảm an toàn, xe tự lái sẽ phải giảm tốc độ và chạy thật chậm khi phát hiện có người đi bộ bên đường.
Để bảo đảm an toàn, xe tự lái sẽ phải giảm tốc độ và chạy thật chậm khi phát hiện có người đi bộ bên đường.

Các hãng chế tạo chưa sẵn sàng?

Các hãng chế tạo xe tự lái giải quyết khía cạnh đạo đức này như thế nào? Trong nhiều trường hợp, họ không trả lời. Mặc dù vấn đề đạo đức xe tự lái thu hút rất nhiều sự quan tâm, nhưng ngành công nghiệp chế tạo xe hơi đang tìm cách né tránh. Một Giám đốc Điều hành của hãng xe Daimler AG khi được hỏi đã nói rằng các mẫu xe tự hành Mercedes-Benz sẽ bảo vệ con người bằng mọi giá. Ông nói rằng: “không một phần mềm hoặc một hệ thống tự lái nào đắn đo về giá trị cuộc sống con người”. Người đại diện của Daimler khẳng định khía cạnh đạo đức đối với xe tự lái không phải là một vấn đề có thật, và công ty này “đang tập trung vào các giải pháp chống rủi ro cho xe hơi để tránh lâm vào các tình huống tiến thoái lưỡng nan”.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn khẳng định những rủi ro đối với xe tự lái là không thể tránh khỏi. Chẳng hạn như hỏng phanh, bị xe khác đâm vào; người lái xe đạp, khách bộ hành và các vật nuôi bất chợt ngã trước mũi xe. Vì thế, tình huống xe tự lái phải đưa ra những lựa chọn khó khăn là có thật.

Khi mà hãng Daimler khẳng định rằng họ coi trọng mọi sinh mạng như nhau, chúng ta có thể nghĩ rằng công ty này chưa có bất kỳ một quy tắc rõ ràng nào để xử lý các tình huống xảy ra đối với sinh mạng con người.

Xe tự lái của Google sẽ sớm có mặt trên thị trường.
Xe tự lái của Google sẽ sớm có mặt trên thị trường.

Trong khi đó, Google đã có một bản hướng dẫn chi tiết quy tắc xử lý đối với tai nạn xe tự lái. Vào năm 2014, Sebastian Thrun – người sáng lập Google X nói rằng những chiếc xe tự lái của hãng sẽ đâm vào đối tượng nhỏ hơn. “Nếu có tình huống va chạm không thể tránh khỏi, chiếc xe sẽ đâm vào mục tiêu nhỏ hơn”.

Bằng sáng chế năm 2014 của Google cũng mô tả một tình huống tương tự, khi xe tự lái tránh một chiếc xe tải ở cùng làn đường, lao sang làn bên cạnh và tiếp cận với một chiếc xe hơi nhỏ hơn. Nó sẽ an toàn hơn nếu đâm vào chiếc xe nhỏ.

Đâm vào đối tượng nhỏ hơn là một quyết định đạo đức, một sự lựa chọn để bảo vệ hành khách bằng cách giảm thiểu thiệt hại từ vụ tai nạn. Tuy nhiên, như vậy xe tự lái sẽ chuyển rủi ro sang người đi bộ hoặc hành khách của xe nhỏ. Thật vậy, Giáo sư Patrick Lin của trường Đại học Bách Khoa California đã viết: “Các đối tượng nhỏ hơn có thể là một xe đẩy em bé hoặc một trẻ nhỏ”.

Vào tháng 3 năm 2016, người lãnh đạo bộ phận xe tự lái của Google là Chris Urmson đã trả lời phỏng vấn báo Los Angeles Times về một quy tắc mới: “Xe của chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tránh những người không được bảo vệ, đó là những người đi xe đạp và khách bộ hành. Sau đó xe sẽ cố gắng tránh các đối tượng chuyển động trên đường”. So với quy tắc đâm vào đối tượng nhỏ hơn, cách tiếp cận mới này của Google đã thực tế hơn. Xe của Google đánh lái sang hướng khác để bảo vệ những người đi đường có thể bị ảnh hưởng nhất trong một vụ tai nạn. Tất nhiên điều này sẽ không có lợi cho người chủ xe, bởi vì họ muốn chiếc xe sẽ bảo vệ tính mạng mình bằng mọi giá.

Xe tự lái phải phân biệt giới tính, tuổi tác người qua đường?

Một vấn đề khác được nêu ra là: liệu xe tự lái có cần phải phân biệt được giới tính, tuổi tác, vị trí xã hội của người đi đường để có biện pháp xử lý thích hợp. Ví dụ như đối với 2 nhóm người qua đường, một nhóm gồm có bác sỹ và người mang thai, một nhóm khác gồm người già và thanh niên. Vậy trong trường hợp bất khả kháng, xe tự lái sẽ tránh nhóm nào? Có lẽ phải mất nhiều thời gian xe tự lái mới có thể phân biệt được các nhóm đối tượng như vậy.

Về lâu dài, quyết định mang tính đạo đức nhất đối với xe tự lái chính là nằm ở bản chất của loại xe này.
Về lâu dài, quyết định mang tính đạo đức nhất đối với xe tự lái chính là nằm ở bản chất của loại xe này.

Cần nhiều cuộc hội thảo hơn

Chúng ta sẽ xử lý vấn đề đạo đức xe tự lái như thế nào? Mọi người đều nhất trí rằng cần phải có nhiều cuộc thảo luận hơn nữa giữa các nhà khoa học, các chuyên gia pháp luật và các hãng chế tạo xe hơi về vấn đề này.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA) đã ra một báo cáo, trong đó có viết rằng: “Các hãng chế tạo xe hơi cùng với các đơn vị khác phải hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật và các bên liên quan (ví dụ như lái xe, hành khách…) để giải quyết những tình huống rủi ro có thể xảy ra, để đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra một cách có chủ đích”.

Wayne Simpson, một chuyên gia làm việc cho cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng đồng tình với NHTSA. Simpson cho rằng: “Công chúng có quyền được biết khi một chiếc xe tự lái đi trên phố nó sẽ ưu tiên cuộc sống của ai? hành khách, người lái xe hay người đi bộ? Những yếu tố nào được nó xem xét? Nếu những câu hỏi trên không được trả lời đầy đủ, các nhà sản xuất sẽ lập trình xe tự lái theo quy định của riêng mình. Những quy định ấy có thể không phù hợp với phong tục xã hội, đạo đức hay các quy tắc của pháp luật”.

Một vài hãng công nghệ dường như cũng đã tiếp thu ý kiến trên. Apple nói rằng hãng này đang tiến hành những “khảo sát chu đáo” để tiếp thu ý kiến từ các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp, người tiêu dùng, cơ quan liên bang và các chuyên gia. Hãng Ford thì nói rằng họ “đang hợp tác với một số trường đại học lớn và các đối tác công nghiệp” trong việc chế tạo xe tự hành. Đồng thời Ford cũng nói rằng những giả thiết đặt ra ở trên là thứ lý thuyết… hơi quá mức. Ford tiếp cận với vấn đề đạo đức xe tự lái trên khía cạnh là hãng sẽ chế tạo ra những mẫu xe tốt chứ không phải dựa vào những giả thuyết phi thực tế mà thực sự không thể giải quyết được.

Tesla trang bị hệ thống tự lái trên tất cả các dòng xe của hãng.
Tesla trang bị hệ thống tự lái trên tất cả các dòng xe của hãng.

Về lâu dài, quyết định mang tính đạo đức nhất đối với xe tự lái chính là nằm ở bản chất của loại xe này. Xe tự lái an toàn hơn nhiều so với người lái. Các chuyên gia dự đoán rằng xe tự lái có thể loại trừ được 90% các vụ tai nạn giao thông.

Dù sao để đạt được điều này thì chúng ta cũng cần tạo ra những bộ luật đủ tốt, tránh những sai lầm có thể dẫn đến những tranh cãi hoặc kiện tụng. Như Rahwan và các cộng sự Azim Shariff, Francois Bonnefon đã viết trên tờ New York Times: “Xe tự lái được thông qua sớm bao nhiêu thì sẽ có nhiều sinh mạng hơn được cứu bấy nhiêu. Nhưng chúng ta cũng cần xem xét một cách thấu đáo khía cạnh tâm lý cũng như kỹ thuật của xe tự lái. Phương tiện này sẽ giải phóng chúng ta khỏi công việc lái xe đầy tẻ nhạt, lãng phí thời gian và nguy hiểm mà chúng ta đã thực hiện suốt hơn một thế kỷ qua”.

Theo Theo vnreview

Print
Image

enqtran

I'm enqtran - A coder and blogger :) [email protected]